Tìm hiểu quy trình lễ xin dâu – Tục lệ từ xưa của ông bà ta

Lễ xin dâu là tục lệ từ xưa của ông bà ta, thể hiện sự trân trọng của nhà trai đối với con dâu mới. Theo đó, gia đình nhà trai sẽ cử mấy người (thường là mẹ, cô, dì của chú rể) mang lễ vật đến nhà gái để báo giờ rước dâu

Trong lễ cưới thì họ nhà trai được mời vào đứng ở phía bên tay phải bàn thờ và họ nhà gái ở phía bên tay trái, từ phía bàn thờ nhìn ra. Rể phụ lui ra đứng ở phía sau rể chính về phía tay phải.

Thứ tự của mỗi họ đứng trước bàn thờ, tính từ trong bàn thờ ra thì là, tộc trưởng, người trên trước cao niên của cha mẹ chú rể cô dâu (nếu có), người chủ hôn hay cha mẹ chú rể, cô dâu rồi mới tới những người đi họ lớn tuổi khác hoặc vai vế là bác, chú, cô dì… Thế nhưng, cũng tùy ở chỗ đứng của tộc trưởng và sui gia, mà bên đàng gái sẽ đứng ngang vai đối mặt với đàng trai để dễ dàng nói chuyện với nhau.

Mở đầu câu chuyện như thế nào?

QUY TRÌNH LỄ XIN DÂU

Vì ý nghĩa “cưới xin” nên họ nhà trai phải mở lời trước. Nếu có mai dong, – thời bây giờ ở vài nơi cũng còn nhưng không chuyên nghiệp, có thể là bằng hữu của hai bên gia đình, – thì mai dong lên tiếng trước để bắc nhịp cầu cho chuyện cưới xin. Trường hợp không có mai dong, nhà trai nhờ một người hoạt bát, đứng tuổi ngỏ lời trước.

Xưa kia, vào thời phong kiến, để tôn trọng sĩ diện và tâng bốc lẫn nhau, lời mở đầu thường là:

“Kính thưa quan viên hai họ. Kính thưa cụ trưởng tộc…!” Nhưng ngày nay, người mở lời có thể nói: “Kính thưa ông tộc trưởng và quý vị.”

Sau lời mở đầu nói về mục đích gặp gỡ của hai họ trong buổi lễ, người chủ hôn nhà trai có thể lên tiếng bằng những lời lẽ cởi mở như sau:

– Hôm nay, ngày lành tháng tốt, gia đình chúng tôi được sự thỏa thuận của quý quyến, sửa soạn một lễ mọn đem trình nơi đây để xin làm lễ thành hôn cho con của hai gia đình chúng ta.

Trong trường hợp cô dâu và chú rể là bằng hữu, quen nhau từ lâu, sau một thời gian tìm hiểu nhau, đồng ý tiến hành hôn nhân, được cha mẹ đôi bên chấp thuận thì lời mở đầu sẽ giản dị, thân tình:

–     Sau một thời gian tìm hiểu nhau, (tên chú rể) và (tên cô dâu), được gia đình đôi bên chấp thuận tiến tới hôn nhân. Hôm nay, gia đình chúng tôi sửa soạn lễ vật trình gia đình anh chị để xin chấp thuận làm lễ kết hôn cho hai con của chúng ta. Để được thân tình hơn, thông gia mỗi ngày một gần và thắm thiết, luôn luôn có nhau, kể từ đây, con gái của anh chị cũng là con của chúng tôi, và con trai của chúng tôi cũng là con của anh chị.

Tiếp theo đó, người mở lời ngưng một chút để chờ sự đáp lễ của nhà gái. Lời đáp lại, có thể ngắn gọn, trong sáng là:

–     Gia đình chúng tôi hết sức vui mừng tiếp đón quý họ nhà trai và thuận làm lễ hôn phối hôm nay cho hai con của hai gia đình chúng ta.

Nếu để giữ cách nghiêm chỉnh và biểu lộ sự thận trọng của nhà gái, lời tiếp theo đó sẽ là:

–     Nhưng trước hết, xin quý quyến cho phép chúng tôi được biết gia đình chúng tôi được hân hạnh tiếp đón quý tộc họ trong buổi lễ hôm nay gồm có những vị trưởng thượng nào

Sau đó, đàng trai trước và đàng gái sau, tuần tự giới thiệu những người hiện diện trong buổi lễ cùng với quan hệ, thứ bậc, vai vế trong tộc họ của mỗi người. Theo một cách khác, nhà trai cũng có thể giới thiệu liền thành phần đi lễ của gia tộc mình tiếp theo phần mở lời xin chấp thuận của nhà gái.

Được đăng trong: -