MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC TU TẬP

Rate this post

Trong việc tu tập, học hỏi giáo lý, thọ Bát quan trai giới, tụng kinh, ăn chay, niệm Phật, trì chú… đều là phương tiện nhằm thể hiện Phật chất trong cuộc sống. Thế nhưng chúng ta lấy phương tiện làm mục đích, xem việc ăn chay, tụng kinh làm thước đo tu tập của mình. Ta ăn chay nhiều, tự cho đã tu giỏi hay tụng kinh nhiều, tự hào đã tu cao, xem thường hoặc khinh khi người không biết ăn chay hay ăn chay ít. Đây là một vướng mắc, kẹt vào phương tiện. Kẹt vào phương tiện thì không thể đạt đến giải thoát được.
Ăn chay không phải mục đích của sự tu tập, chỉ là phương tiện để phát triển lòng từ bi. Nếu ăn chay mà có tâm hiểm ác, hại người, đối xử bất nhân với đồng loại, thì ăn chay như vậy không mấy lợi ích, chẳng khác nào làm tường rào để ngăn chặn không cho trâu bò vào phá hoại vườn hoa, nhưng bên trong thì để cỏ dại mọc um tùm.
Hơn nữa, ăn chay mà tự hào cho mình tu giỏi, xem thường hoặc khinh chê người ăn chay thua mình, thì rơi vào tâm lý kiêu mạn. Chính điều này mà Tuệ Trung Thượng Sĩ bảo ăn chay chuốc thêm tội, chứ không được phúc: “Trì giới và nhẫn nhục/Thêm tội chẳng được phúc”. Ăn chay vốn là phương tiện để đạt đến lòng từ rộng lớn, nhưng nếu không khéo ta lại biến nó thành vật chướng ngại trên tiến trình tu tập giải thoát của mình.
Thực ra ăn chay hay ăn mặn không có can hệ gì đến mục đích tu tập giác ngộ cả. Giác ngộ hay không là do trí tuệ quyết định
Nếu Phật tử chúng ta thường xuyên đi chùa tụng kinh mà trong đời sống nói xấu người này, đố kỵ người kia, tị hiềm người nọ, thì tụng kinh như vậy chẳng ích lợi gì, chỉ mất thì giờ. Hoặc có người tụng kinh rất giỏi, thuộc làu nhiều bộ kinh, nhưng khi gặp chuyện trái ý, phật lòng, giận dữ nổi lên như phong ba bão táp, thì việc tụng kinh đó cũng vô nghĩa. Chẳng hạn ra đường ai đó vô ý va quẹt mình, người này không biết lỗi, lại quát mắng, chúng ta sân hận mắng chửi lại, sự việc có khi leo thang dẫn đến ẩu đả gây thương tích. Trong trường hợp này nếu là người tụng kinh “giỏi”, ta xin lỗi người đó, dù không phải lỗi của mình, thì sự việc trở nên tốt đẹp.
Phật tử chúng ta phần lớn không biết chính xác mục đích tụng kinh là gì, cho nên đi tụng kinh mà tranh nhau một chỗ đứng, giành nhau một chỗ ngồi. Mình tranh một chỗ đứng tốt, giành một chỗ ngồi đẹp, thì người bạn đạo của mình sẽ đứng chỗ không tốt, ngồi chỗ không đẹp. Thế thì tinh thần yêu thương, vị tha đâu, điều mà chúng ta tụng trong kinh điển hàng ngày? Tụng kinh mục đích là để chúng ta có trái tim biết yêu thương và vị tha hơn, chứ không phải để Phật chấm công mình tu nhiều hay ít.
Nhiều người đi chùa lâu năm, tụng kinh, ăn chay, ngồi thiền, niệm Phật, làm công quả, nghe pháp, học hỏi giáo lý nhưng những điều này không thể chứng minh một người tu giỏi được.
Đánh giá một người tu giỏi hay không là nhìn vào lối sống và cách cư xử của họ. Người nào còn tánh tham nhiều, cái gì cũng muốn vơ vét về cho mình hoặc gặp cảnh nghịch ý thường hay nổi giận, thấy ai hơn mình cái gì, tỏ ra khó chịu, tranh giành ăn thua với người khác, thì người đó tu chưa giỏi, mặc dù đi chùa nhiều, tụng kinh hay. Người nào biết bố thí, làm phước, cúng dường, không bỏn sẻn keo kiệt; hoan hỷ khi thấy người khác hơn mình, khiêm cung lễ độ, nói lời từ ái, không chỉ trích chê bai người khác; biết yêu thương, tha thứ, khoan dung và độ lượng thì người đó được xem là tu giỏi.