CHÙA HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG

Rate this post

CHÙA HUYỀN KHÔNG SƠN THƯỢNG

Nằm cách cố đô Huế chừng 14 cây số, về hướng Tây, với địa danh là thôn Đồng Chầm (Hòn Vượn), xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế, có một ngôi chùa – được gọi là Huyền Không Sơn Thượng (hoặc Huyền Không 2).
Khách thập phương muốn đến đây, đi quá chùa Linh Mụ, men theo con lộ dọc sông Hương, qua Văn Thánh, Võ Thánh, qua cầu Xước Dũ; rồi chừng hơn 01 cây số nữa sẽ gặp ngã rẽ bên phải vào thôn Đồng Chầm. Qua cổng làng Văn hóa thôn Đồng Chầm chừng 200 mét, bên phải có một tấm biển chỉ đường, theo lộ trình này, gần 3km nữa là đến vùng núi non Triều Sơn Phương tức Huyền Không Sơn Thượng. Do đặc điểm địa lý, đồi tiếp đồi, nên đường vào chùa uốn lượn quanh co, dốc cao; nay đã được cải tạo, nâng cấp, tương đối khá thuận lợi cho mọi phương tiện lui tới.
 
Chùa rộng 50,4 ha, vốn là vùng đồi núi hoang. Từ năm 1989-1990, nhà chùa vào đây để lập trang trại, đào giếng, tự ươm cây giống, trồng lúa, khoai sắn, bí bầu, rau cải… Với chủ trương tự lực mưu sinh là chính nên giai đoạn đầu khá gian lao, vất vả. Trải qua hơn 30 năm, từ một vùng đồi núi hoang hóa, khô cằn, hố bom, hố đạn, không một bóng cây cao, bây giờ, cây rừng đã khép tán, màu xanh bạt ngàn, tàn cao bóng lớn – tạo nên một môi trường thiên nhiên mát mẻ và trong lành.
Với một không gian thoáng đãng, rừng cây bốn mùa xanh lá – nhà chùa đã dựa vào yếu tố thiên nhiên ấy để thiết kế thành 02 khu vực chính:
1. Ngoại viện: Diện tích 30 ha, được chia thành hai không gian:
1.1. Không gian chùa viện: Chiếm diện tích 10.000m2, gồm có Chánh điện, Am mây tía, Nghinh lương đình, Nhà khách, Chúng hòa đường, Quá thiện đường (nhà trù), Tăng xá, Cốc liêu chư Tăng, Cốc liêu chư Ni, Cây cảnh, Giàn phong lan, và các công trình phụ, …
– Chánh điện: Với phong cách kiến trúc dị giản, vật liệu xây dựng chủ yếu là gỗ, ngói vảy cá – mang dáng dấp hồn Huế và hồn Việt. Lấy sự hài hòa với thiên nhiên, với hồn thơ, hồn dân tộc, hồn của các giá trị nhân văn… làm ý tưởng chủ đạo; nhẹ vai trò tôn giáo, tín ngưỡng mà xem trọng tâm hướng sống thiền, sống đạo trong tương quan nhân giới và nhiên giới. Chánh điện này còn được gọi là chùa ngoài, thờ Phật Sakya, thờ Xá-lợi Phật cùng Xá-lợi chư vị Thánh Tăng. Diện tích ước chừng 150m2 để Phật tử và khách thập phương đến lễ bái, cúng dường hoặc nghe Pháp.
Hiên cột Chánh điện có ba cặp đối, thư pháp Việt được khắc chạm lên thân dừa:
“Cư sĩ, rộng nương trồng hữu hạnh,
Tăng nhân, y bát hướng vô công!”
“Trúc tùng hạo hạo sum la sắc,
Lan thảo phân phân bát-nhã hương”
“Nghe đạo, hương rừng theo gió đến,
Đọc thơ, trăng sáng vượt non về!”
– Am mây tía (Tử vân am): Xung quanh trồng 5 khóm trúc vàng (lệ trúc), gợi nhớ Am tử tiêu ở núi Yên tử – là nơi ở, làm việc, uống trà, tiếp khách… của sư phó chủ trì. Với diện tích chừng 80m2, chiếc am này vóc dáng đồng bộ với ngôi chánh điện, kiến trúc mở – để thiên nhiên, cây lá, cỏ hoa tràn vào nhà. Xung quanh am có hồ nước, các loài hoa thân thảo, thân mộc, phong lan, địa lan, cây cảnh thay nhau chưng bày bốn mùa, tám tiết… Và chữ, và thơ được treo quanh năm.
Mặt tiền có hai cặp đối:
“Bút dựng rừng tùng, mây nước lung linh, khách quý, gió thơm hương lá bối,
Thơ reo vườn trúc, khói sương bát ngát, bạn lành, nắng ấm sắc hiên văn!”
1.2. Không gian nghệ thuật: Gồm có Vườn cỏ đá, Không sơn thiền uyển, Vườn Đức Phật Đản Sanh, Cụm nhà dành để triển lãm các lại hình nghệ thuật, hội thảo thơ, thiền…
Ngoài ra, không gian này còn có: thảm cỏ xanh quanh hồ, điểm xuyết hằng trăm cây cảnh lớn, hoa thân thảo, thân mộc; hai mái lương đình và 8 hiên thơ rải rác trên lối đi. Và ở đâu cũng có thơ! “Ta còn hơi thở, nụ cười – là còn bát ngát đất trời nguyên xuân” (nguyên xuân – mượn chữ của Bùi Giáng)
Ngôn ngữ nghệ thuật của Không sơn thiền uyển là tĩnh lắng, an bình, đạm phác và dân dã!
Đến địa phận Huyền Không Sơn Thượng – từ dốc núi đi lên, đến dốc núi cuối cùng, nhìn bên trái có một ngọn đồi tên là Độc thụ sơn (do trên đỉnh có một cây mít nài cổ thụ bám trên cụm đá đã hàng trăm tuổi), bên cạnh có mái lương đình có tên là Bạch vân hiên để cho khách có chỗ nghỉ chân – đúng như câu thơ đề ở đây:
“Đầu non dựng một mái nhà – để cho mây trắng ta bà ghé chơi!”
2. Nội viện:
Nếu ngoại viện là nơi để cho Phật tử các giới lui tới học đạo, hỏi đạo, làm phước, cúng dường,… thì nội viện là nơi hoàn toàn dành cho sự tĩnh tu. Và đây là không gian biệt lập, là Rừng Thiền để cho hành giả tu tập Samatha (thiền định, thiền chỉ) và Vipassanā (thiền quán, tuệ quán, minh sát). Đây là mô hình tương tợ các Rừng Thiền ở Thailand và Myanmar, chưa hề có ở Việt Nam. (Còn tiếp)
Am Mây Tía,
Nếu đã đôi lần mệt mỏi nơi phố thị, Quý bạn hữu có dịp đến Huế, hãy dành một buổi sáng ghé thăm chùa Huyền Không Sơn Thượng, tận hưởng khung cảnh yên bình, tĩnh lặng, hít một hơi dài hoà mình vào bầu không khí trong lành và sống chậm xem sao nha! ??